Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội trong tuần qua (từ ngày 14 đến nay), trên địa bàn TP. Hà Nội có thêm 73 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 35 ca so với tuần trước đó). Bệnh nhân phân bố tại 19 quận, huyện, trong đó chủ yếu ghi nhận tại huyện Đan Phượng với 41 ca mắc.
Trong tuần qua, trên địa bàn TP. Hà Nội có thêm 73 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 35 ca so với tuần trước đó) và 2 ổ dịch.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố có 856 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Ngoài ra, tuần qua ghi nhận thêm 2 ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và xã Phương Đình (huyện Đan Phượng).
Tính đến nay, thành phố có 14 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 4 ổ dịch đang hoạt động tại thôn Bãi Tháp và Đồng Vân (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng); cụm 10 xã Tân Hội (huyện Đan Phượng); khu tập thể E4 Thái Thịnh, phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và thôn Phương Mạc, xã Phương Đình (huyện Đan Phượng). Riêng ổ dịch tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng đến nay đã ghi nhận 89 bệnh nhân.
Các chuyên gia y tế nhận định, bệnh sốt xuất huyết không còn phát triển theo chu kỳ mà thay đổi theo biến đổi khí hậu và môi trường. Dự báo, thời tiết mưa nắng thất thường làm tăng nguy cơ bùng phát dịch từ tháng 7 đến tháng 11.
Đặc biệt, những đối tượng như người già, người có bệnh nền và trẻ em cần được lưu tâm nhiều hơn vì nguy cơ bệnh dễ biến chuyển nặng.
Nhấn mạnh về sự nguy hiểm của sốt xuất huyết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3,9 tỷ người ở 129 quốc gia có nguy cơ bị nhiễm sốt xuất huyết Dengue, chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Ước tính thế giới có 390 triệu ca sốt xuất huyết Dengue xảy ra hàng năm, 96 triệu ca trong số đó có biểu hiện lâm sàng.
Các trường hợp nặng xảy ra ở khoảng 500.000 người mỗi năm, với tỷ lệ tử vong là 10% ở những bệnh nhân nhập viện. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong này có thể giảm xuống dưới 1% nếu được phát hiện chẩn đoán và điều trị sớm dựa trên các dấu hiệu cảnh báo.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023 cả nước ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, 43 người trong đó đã tử vong. So với năm 2022, số mắc giảm khoảng 54%, số tử vong giảm 72% (giảm 108 trường hợp).
Đồng nhiễm vi khuẩn là một biến chứng tương đối hiếm gặp nhưng nghiêm trọng trong các trường hợp nhiễm sốt xuất huyết Dengue. Có tới 44% số ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết Dengue có đồng nhiễm vi khuẩn.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Do đó, đây là bệnh phải tập trung phòng, chống số một.
Trước nguy cơ diễn biến khó lường của các dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết nói riêng trước tác động của thời tiết, môi trường, CDC Hà Nội khuyến cáo người dân không được chủ quan.
Để phòng ngừa bệnh, biện pháp phòng bệnh hiệu quả vẫn là việc tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ hoàn toàn các dụng cụ chứa nước, môi trường thuận lợi để cho muỗi đẻ trứng.
Nếu người bệnh mắc sốt xuất huyết có các dấu hiệu cảnh báo như: Sốt cao, đau bụng vùng gan, nôn hoặc chảy máu chân răng, rong kinh hoặc có biểu hiện chân tay lạnh, tụt huyết áp... cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà, chủ quan dẫn đến nguy cơ bệnh nặng, tử vong.
Về sốt xuất huyết, các bác sĩ khuyến cáo một số sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng, như chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít.
Với sốt xuất huyết, có những sai lầm khi điều trị khiến bệnh trở nặng mà người dân cần hết sức tránh. Theo đó, triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết dễ nhầm với sốt virus thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Người bệnh thường chủ quan không đi khám mà tự điều trị.
Mức độ nhẹ, người bệnh có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng vẫn cần đi khám để được chẩn đoán, điều trị và theo dõi sát sao.
Mức độ nặng, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
Hầu hết người bệnh đều lầm tưởng hết sốt là khỏi bệnh vì hạ sốt nên cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, trên thực tế sau giai đoạn sốt cao mới chính là giai đoạn nguy hiểm nhất.
Lúc này, người bệnh cần được bác sĩ theo dõi sát sao và nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều bởi sau 2-7 ngày, lúc này tiểu cầu có thể giảm nặng và thoát huyết tương, người bệnh có thể gặp các triệu chứng xuất huyết dưới da, chảy máu cam,…
Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong.
Người bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục, vì vậy muốn hạ sốt nhanh nên uống thuốc hạ sốt không tuân thủ đúng liều lượng được hướng dẫn.
Thậm chí, có rất nhiều trường hợp dùng sai thuốc hạ sốt như sử dụng aspirin và ibuprofen thay thế cho paracetamol dẫn đến tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều người cho rằng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ ở ao tù nước đọng công cộng, cống rãnh...
Tuy nhiên, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày như bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước mưa đọng tại những mảnh bát vỡ trong vườn nhà, xóm ngõ hoặc sân thượng, công trình xây dựng… Vì vậy, cần loại bỏ những vật chứa nước tồn đọng là nơi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển.
Để không bị muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nhiều người cho rằng phun thuốc diệt muỗi vào giờ nào cũng được. Tuy nhiên, việc diệt muỗi đầu tiên là vệ sinh nhà cửa, lật úp hết nơi muỗi trú ẩn, để diệt bọ gậy, sau đó mới tiến hành phun thuốc diệt muỗi trưởng thành.
Ðể diệt muỗi này có hiệu quả nên phun thuốc vào buổi sáng. Vì loài muỗi sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất vào những giờ đầu buổi sáng và thời gian trước lúc mặt trời lặn. Điều cần lưu ý, các loại thuốc phun diệt côn trùng có thời gian hiệu lực tốt trong 6 tháng kể từ khi phun.
Nhiều người cho rằng, vừa mắc sốt xuất huyết xong sẽ không mắc lại bệnh. Đây là quan niệm chưa hẳn đúng. Vì sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có 4 chủng là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Cả 4 chủng virus này đều có khả năng gây bệnh.
Vì vậy, nếu người từng mắc sốt xuất huyết, trong thời gian mắc bệnh cơ thể có thể tạo ra kháng thể.
Tuy nhiên, miễn dịch được tạo thành chỉ đặc hiệu đối với từng chủng riêng lẻ. Người bệnh có thể sẽ không nhiễm lại chủng virus cũ nhưng vẫn có thể nhiễm chủng mới nên có thể tái mắc sốt xuất huyết.
Nhiều người cho rằng khi sốt xuất huyết chỉ uống bù điện giải không nên uống nước dừa vì không có tác dụng bù nước và khó nhận biết biến chứng.
Điều này là hoàn toàn sai lầm, trong sốt xuất huyết, việc sốt cao mấy ngày liên tục sẽ khiến bệnh nhân bị mất nước, mất dịch. Việc bù dịch đơn giản nhất là cho bệnh nhân uống Oresol.
Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân khó uống Oresol. Việc này có thể thay thế bằng uống nước dừa, nước cam, nước bưởi, nước chanh để bù lại lượng dịch đã mất. Hơn nữa, các loại quả trên chứa nhiều khoáng chất và vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng và tăng sự vững bền của thành mạch.
Nhiều bố mẹ có những xử trí không đúng khi con bị sốt xuất huyết. Khi thấy bé có nốt xuất huyết bầm tím thì cho rằng phải cắt lễ để lấy bớt máu độc sẽ nhanh khỏi.
Việc này có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu không cầm. Đây là đường vào cho vi trùng xâm nhập, có thể gây rối loạn đông máu nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
(Theo D.Ngân/dautu)
Từ khóa: