Không xả rác ra môi trường
Trong một chuyến du lịch đến biển Hà Tĩnh cùng gia đình trong năm 2023, em Trần Gia Linh, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) rất băn khoăn, khó hiểu khi bãi cát thơ mộng lại chứa đầy rác. Đó là những vỏ lon bia, chai nước, vỏ bánh kẹo, bim bim… khách du lịch dùng xong thẳng tay vứt ra bãi cỏ hoặc sóng đánh kéo ra nổi dập dềnh trên mặt nước.
Gia Linh đã xin nhà hàng ven biển đôi bao tay và túi rồi cặm cụi đi nhặt rác trước sự chứng kiến của nhiều trẻ con, người lớn. Nhiều em nhỏ trong đoàn cũng chung tay thu gom một loáng đã hết những vỏ lon, túi rác, trả lại bãi cát sạch đẹp.
“Em được thầy cô dạy phải bảo vệ môi trường xanh sạch bằng những việc đơn giản như: không vứt túi ni lông, chai lọ, rác ra môi trường. Các loại rác phải được phân loại, rác hữu cơ, vô cơ và bỏ đúng quy định. Nếu đi ra ngoài ở nơi công cộng không có thùng rác, em đều cất giữ vỏ bánh, kẹo trong túi đến khi về nhà”, Gia Linh nói.
|
Học sinh được giáo dục bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ.
|
Nhiều năm nay, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cũng đưa nội dung giáo dục sống xanh vào các giờ sinh hoạt. Trong đó, truyền tải thông tin trái đất đối mặt với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên… Những vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người và đe dọa sự phát triển bền vững của xã hội.
Nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm chia sẻ thông tin hữu ích về sự cần thiết bảo vệ môi trường, từ đó giúp học sinh có ý thức được về vai trò quan trọng của môi trường cũng như trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường.
Ví dụ như, thầy cô cung cấp thông tin về cần thiết phải tiết kiệm điện và rèn luyện việc này thành thói quen sẽ có ý nghĩa rất lớn. Đưa ra một minh chứng cụ thể về mức tiêu thụ điện toàn quốc, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia về một hành động nhỏ là tắt đèn và sau 1 giờ hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 428.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 858,9 triệu đồng).
Các em học sinh biết được rằng mỗi hành động nhỏ của một người sẽ tích tiểu thành đại, từ đó được nhân lên trên diện rộng tạo ra sự lan tỏa để giúp thay đổi môi trường sống tốt hơn hướng đến sự bền vững.
Theo đại diện nhà trường, từ đầu năm 2024 đến nay, học sinh toàn trường đã hưởng ứng 3 sự kiện có ý nghĩa liên quan bảo vệ môi trường như: Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3) và Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 23/3).
Hành động giản đơn
Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2025.
Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kĩ năng cho học sinh về ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong trường học để mỗi học sinh vừa là người có ý thức bảo vệ môi trường, vừa là một tuyên truyền viên tích cực vận động gia đình, người thân và xã hội chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phong trào học sinh thủ đô thực hiện văn minh đô thị, chung tay làm sạch môi trường.
|
Với những que kem, cốc giấy, lõi giấy vệ sinh, là những vật dụng vốn dĩ sẽ bỏ đi nhưng bằng sự tài năng, khéo léo của giáo viên đã hướng dẫn trẻ cùng chế tạo thành đồ dùng đồ chơi.
|
Bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội) nói rằng, ngoài các giờ học theo chương trình, nhà trường tăng cường các hoạt động trải nghiệm, trong đó giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho học sinh được chú trọng. Từ những việc như, pin sử dụng trong gia đình, không vứt bừa bãi, thay vào đó thu gom ở đâu; giữ vệ sinh trường, lớp, không vứt rác bừa bãi, không giẫm đạp lên cây xanh, tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt...
Điều đặc biệt là nhiều học sinh khi được hỏi đều cho rằng, từ lí thuyết đến thực hành sống xanh không hề khó. Chỉ bằng những hành động nhỏ gần gũi, quen thuộc trong đời sống hằng ngày ở nhà, trên đường đi, ở trường lớp hay bất kỳ nơi đâu học sinh đã có thể làm được.
Trong các giờ sinh hoạt, học sinh thảo luận và chia sẻ với nhau những việc mình đã làm để tiết kiệm điện, nước, bảo vệ môi trường như: tắt đèn khi ra khỏi phòng, tắt vòi nước khi không sử dụng, sử dụng túi vải thay cho túi ni lông, trồng cây xanh… Các em cũng hiểu rằng thay đổi một thói quen sinh hoạt hay một hành động nhỏ đều góp phần xây dựng một cộng đồng xanh bền vững.
Ngay cả ở cấp học mầm non, nhiều nhà trường cũng đưa nội dung này vào hoạt động dạy học. Trường mẫu giáo Mầm non A (Hà Nội) tận dụng những vật dụng đã qua sử dụng chế tạo các sản phẩm sáng tạo, đồ chơi để trẻ học mà chơi, chơi mà học.
Với những que kem, cốc giấy, lõi giấy vệ sinh, là những vật dụng vốn dĩ sẽ bỏ đi nhưng bằng sự tài năng, khéo léo của giáo viên đã hướng dẫn trẻ cùng chế tạo thành đồ dùng đồ chơi trong các hoạt động hàng ngày như: Hộp cắm bút, đồ chơi ghép hình, các con vật đáng yêu hay các phương tiện giao thông như máy bay, xe giường tầng, tàu hỏa, cối xay gió…
Rất nhiều đồ chơi sáng tạo từ que kem, cốc giấy và lõi giấy khiến trẻ hào hứng và ý thức được rằng có thể tận dụng được những phế liệu thành sản phẩm hữu ích.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị trường học triển khai tới tất cả cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh về giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
THEO Hà Linh TIỀN PHONG
Từ khóa: