Nội quy lao động

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 20/09/2016 03:37:00 PM - Lượt xem: 2812 lượt xem.

Căn cứ pháp lý: Điều 119, Điều 120 Bộ luật Lao động 2012; Điều 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP

Doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên phải ban hành Nội quy lao động bằng văn bản và bản Nội quy lao động đó phải được đăng ký với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý Khu công nghiệp được ủy quyền. Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và phải được niêm yết công khai ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc trong doanh nghiệp.

Nội quy lao động là văn bản mà người sử dụng lao động dùng để điều hành sản xuất, kinh doanh và quản lý lao động.

Nội quy lao động bao gồm có 5 nội dung chủ yếu như sau:

- Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi: Quy định thời gian làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt, nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hàng tuần; nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương.

- Trật tự tại nơi làm việc: Quy định phạm vi làm việc, đi lại trong thời giờ làm việc; văn hóa ứng xử, trang phục; tuân thủ phân công, điều động của người sử dụng lao động (trừ trường hợp thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và sức khỏe của mình).

- An toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc: trách nhiệm nắm vững các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; chấp hành các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuân thủ nội quy, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động; sử dụng và bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân; vệ sinh, khử độc, khử trùng tại nơi làm việc.

- Bảo vệ tài sản, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động: Danh mục tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ phải bảo vệ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động, hình thức xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất: Danh mục hành vi vi phạm, mức độ vi phạm tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật lao động; mức độ thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Lưu ý:

Người lao động phải tìm hiểu kỹ nội quy lao động và nghiêm túc thực hiện theo các quy định của nội quy lao động.

Làm trái nội quy lao động là vi phạm kỷ luật lao động và sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại hoặc bị sa thải.

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn